TIN TỨC

Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, công nghệ đã trở thành “vũ khí đắc lực” và đóng vai trò quan trọng, giúp giảm gánh nặng cho đội ngũ y tế, lực lượng phòng chống dịch COVID-19 thông qua các ứng dụng thiết thực.

Công nghệ hỗ trợ đắc lực cho đội ngũ y tế và lực lượng phòng chống dịch

Tại Việt Nam, công nghệ đang phát huy sức mạnh trong cuộc chiến chống COVID-19 với nhiều sản phẩm được đánh giá là hỗ trợ đắc lực cho đội ngũ phòng, chống dịch. Các ứng dụng BlueZone, VHD, Sổ sức khỏe điện tử… đã phát huy hiệu quả trong việc truy vết người tiếp xúc khi có ổ dịch hoặc ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, giúp đội ngũ y tế điều tra lịch trình, lấy thông tin dịch tễ. Đặc biệt, khi số lượng ca lây nhiễm trong cộng đồng lớn, việc nhập liệu từ các bản khai giấy mất nhiều thời gian, dễ nhầm lẫn. Toàn bộ tờ khai, phiếu điều tra dịch tễ đều được số hóa ngay lập tức và đưa lên hệ thống.

Hệ thống bản đồ dịch tễ, phần mềm đánh giá nguy cơ lây nhiễm cũng phát huy hiệu quả tại các địa phương có dịch. Trên bản đồ này, người dùng theo dõi được nơi người bệnh đã đến, các khu vực cách ly, khu vực bệnh viện… một cách trực quan. Mới đây nhất, người dân ở các địa phương đã có thể tự kiểm tra xem tổ dân phố nơi mình sinh sống thuộc vùng xanh, đỏ hay cam cùng số ca F0 trên bản đồ Covid-19.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, khi dịch bùng phát việc ứng dụng công nghệ trong công tác phòng chống dịch COVID-19 đã mang lại hiệu quả không nhỏ. Các thành phố đã triển khai tổng đài 1022 để người dân gọi đến tổng đài nhờ hỗ trợ, giải đáp những vấn đề liên quan đến COVID-19.

Ngoài ra, các đơn vị cũng phối hợp xây dựng Hệ thống tư vấn tự động (chatbot) tích hợp trên Hệ thống Khai báo y tế điện tử của thành phố và Cổng thông tin 1022 để tư vấn sức khỏe cho người dân, hệ thống sẽ được kết nối với Mạng lưới bác sĩ đồng hành để liên hệ xử lý các trường hợp chatbot không thể trả lời được cho người dân.

Đặc biệt, khi hệ thống các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh quá tải, các trường hợp F0 cách ly tại nhà thì phần mềm tiếp nhận, xử lý, tư vấn, hỗ trợ các yêu cầu chăm sóc y tế đã giúp các Trạm y tế lập “phiếu theo dõi sức khỏe” của người cách ly tại nhà dựa vào thông tin khai báo y tế hàng ngày của người cách ly qua ứng dụng “Hệ thống khai báo y tế điện tử”. Qua “phiếu theo dõi sức khỏe” để nắm bắt các trường hợp F0 có triệu chứng, nhân viên y tế gọi điện thoại/nhắn tin để thăm hỏi và sàng lọc các triệu chứng nguy cơ, kịp thời thông tin cho tổ phản ứng nhanh của phường, xã, quận, huyện đến vận chuyển người bệnh tới các bệnh viện quận, huyện để điều trị.

Ngoài ra, đối với các trường hợp nghi ngờ F0 thuộc nhóm nguy cơ cao trên địa bàn (người già neo đơn, người có bệnh lý tâm thần,…), Đội Y tế lưu động (thuộc Trạm y tế) thực hiện đến thăm khám tại nhà để kịp thời đưa đến các cơ sở thu dung điều trị.

Công nghệ hỗ trợ người dân an sinh

Bên cạnh các công nghệ giúp truy vết, thu thập thông tin dịch tễ và hỗ trợ người bị bệnh, hàng loạt công ty công nghệ đã đề xuất được tham gia chia sẻ hạ tầng, nguồn lực miễn phí hỗ trợ lực lượng cung ứng hàng hóa thiết yếu, góp phần tiết kiệm thời gian, nguồn lực cho các lực lượng chức năng trong phòng chống dịch.

Ngoài những cái tên quen thuộc như Grab, BeGroup, nhiều “ông lớn” cũng tham gia vào việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân. Có thể kể đến sàn Vỏ Sò của Viettel, VNPT-Vinaphone MallFinder, ứng dụng Bip Bip của Central Retail VN… Việc sử dụng các công nghệ sẽ tiết kiệm thời gian, công sức và nguồn lực cho các lực lượng chức năng trong phòng chống dịch mà vẫn đáp ứng được nhu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân.

Bên cạnh đó, Trung tâm An sinh TP Hồ Chí Minh vừa ra mắt ứng dụng hỗ trợ an sinh, giúp người dân có thể trực tiếp gửi các yêu cầu cấp bách của mình để nhận hỗ trợ gồm: nhu yếu phẩm; hỗ trợ y tế như xe cấp cứu, bình oxy, thuốc men, các thiết bị y tế phục vụ chống dịch COVID-19; yêu cầu cấp cứu đối với các tình huống khẩn cấp, tiền mặt… giúp an sinh xã hội và đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Ðến nay, một số giải pháp vẫn tiếp tục được nghiên cứu phát triển. One Smart Star Việt Nam là đối tác của các nhà mạng VNPT, Viettel, MobiFone, Vietnamobile cung cấp giải pháp hotline 4 số cho các đơn vị hành chính công. Hotline 4 số không những ngắn gọn, dễ nhớ mà còn tích hợp giao diện điện tử VIVR thông minh với các tính năng Báo cáo hình ảnh, form khai báo, định vị… giúp tăng tương tác giữa người dân và chính quyền.

Dịch bệnh khiến chính quyền hướng tới công nghệ nhiều hơn. Với biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội và ngày càng nhiều người phụ thuộc vào công nghệ, các nhà hoạch định chính sách có thể coi đây là cơ hội để thiết lập những công cụ số và hợp tác trong tương lai. Dịch bệnh COVID-19 đã cho thấy một thực tế là công nghệ có thể trở thành trợ thủ đắc lực đồng hành cùng con người, nếu con người biết tận dụng hiệu quả và hợp lý.

 

 

 

 

 

TIN MỚI NHẤT

 TIN LIÊN QUAN